Thời điểm này, nhiều ông chủ doanh nghiệp thép từng có doanh thu hàng ngàn tỷ đồng tại Hải Phòng lại mơ được trở về những ngày làm ông chủ buôn sắt vụn.
Nhà máy luyện gang của Công ty Thép Vạn Lợi (Quán Toan, Hải Phòng) đã đắp chiếu từ lâu
“Nếu cứ làm ông chủ buôn sắt vụn thì giàu to rồi, đằng này đi lập doanh nghiệp mong làm ăn lớn, bài bản thì nay ngắc ngoải, thậm chí vô tù tội...”, một chủ doanh nghiệp than.
Nếu chỉ buôn sắt vụn…
Trong tiếng máy ì ầm trên bãi phá dỡ tàu cũ, ông Nguyễn Hữu Bôn, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ của Công ty TNHH Việt Thắng – công ty chuyên sửa chữa và phá dỡ tàu cũ - thở dài ngao ngán.
“Trước đây, Hải Phòng có hơn chục bãi phá dỡ tàu cũ, và vô số bãi buôn bán phế liệu (máy móc, sắt thép…) dọc đường 5 cũ, ven bờ sông Cấm. Giờ chỉ còn vài bãi hoạt động cầm chừng thôi”.
Ở tuổi 76, ông Bôn được xem như pho sử sống của làng buôn phế liệu Hải Phòng, nếm trải bao thăng trầm của nghề.
Ông không thể ngờ tình cảnh này đối lập với viễn cảnh tươi sáng mà những chủ buôn sắt thép, phế liệu kỳ vọng khi bước vào làm ăn lớn. Nhất là khi số tiền lời từ buôn phế liệu mỗi ngày thời hoàng kim có thể mua được cả ôtô.
Những năm 2000, kinh doanh thuận lợi, những ông chủ buôn phế liệu giàu lên nhanh chóng.
Với lưng vốn vài chục tỷ, nhiều đại gia sắt vụn thành lập các công ty gia đình, không ngừng tăng quy mô hoạt động, đồng thời mở rộng kinh doanh nhập khẩu thiết bị máy móc, sắt thép, ô tô, bất động sản, sản xuất phôi, thép...
Nếu chỉ buôn sắt vụn, thời điểm đó giắt lưng vốn vài chục tỷ là đã giàu to. Nhưng số vốn này chẳng thấm vào đâu so với các doanh nghiệp sản xuất thép cỡ lớn, nhu cầu vốn cả nghìn tỷ đồng.
Trong làng buôn phế liệu, ông Phạm Văn Thụ là một chủ buôn cỡ vừa, có tiếng làm ăn đàng hoàng và nhạy bén. Những năm đầu lập doanh nghiệp, Công ty CP công nghiệp và thương mại Thái Sơn của ông đã phất lên nhanh, đứng đầu về kinh doanh thép ở khu vực đường 5.
Doanh thu bình quân hơn 6.000 tỷ đồng/năm, sản lượng tiêu thụ khoảng 10-20 nghìn tấn/tháng.
Thẳng đà thắng lớn, Công ty Thái Sơn còn thành lập thêm 8 công ty con, một nhà máy đóng tàu, một nhà máy thép phôi. Ngoài ra, các con ông Thụ còn có hơn chục công ty cũng kinh doanh sắt thép.
Làm lớn, phải vay thêm vốn ngân hàng. Thời gian đầu, ông Thụ được nhiều ngân hàng mời chào tiếp vốn vì lãi lớn.
Nhưng đến năm 2008, giá thép giảm mạnh tới 40%, tiêu thụ khó khăn, ông Thụ bắt đầu gặp khó khi tất cả vốn liếng đã “chôn” hết vào các dự án, hàng hóa, bất động sản.
Đến cuối năm 2011, ông Thụ đã nợ 12 tổ chức tín dụng 750 tỷ đồng với lãi suất cao ngất tới 24%/năm.
Lúc này, sự bề thế và hoành tráng của doanh nghiệp do gia đình ông Thụ làm chủ, trở thành gánh nặng lớn, mà bản thân chủ doanh nghiệp này không còn đủ khả năng và trình độ để xử lý.
Trong vòng 4 năm (2008-2011), ông Thụ đã xoay xở trả hơn 400 tỷ đồng tiền lãi cho ngân hàng.
Gặp cơn bĩ cực, ngân hàng lại đóng cửa tín dụng, doanh nghiệp của ông Thụ không có nguồn vốn mới để kinh doanh, ông Thụ ngày càng sa lầy vào khối nợ.
Tháng 8-2012, một chủ nợ đã tố cáo cha con ông Thụ lừa đảo, chiếm đoạt vốn vay. Lúc này, công ty Thái Sơn còn nợ 12 tổ chức tín dụng hơn 700 tỷ đồng. Rốt cục ông Thụ vướng vòng lao lý, bị bắt tạm giam.
Chết vì bệnh “hoành tráng”
Cũng đi lên từ nghề buôn sắt vụn cùng thời với ông Thụ, là ông Nguyễn Cao Bằng - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Vạn Lợi. Năm 1993, công ty của ông Bằng chính thức “định cư” tại Hải Phòng, chuyên kinh doanh phế liệu và thép thành phẩm.
Năm 1997, Công ty TNHH Vạn Lợi mua lại nhà máy cán thép Nam Đô (công suất 200.000 tấn/năm) tại khu vực Quán Toan và đoạn tuyệt hẳn với quá khứ buôn phế liệu.
Liên tục các năm sau đó, ông Bằng và Công ty Vạn Lợi đã vay vốn từ nhiều ngân hàng để hình thành nên một Khu liên hợp gang thép Vạn Lợi, với số vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.
Trong đó, có nhà máy luyện phôi thép gồm 2 giai đoạn (2003-2007), tổng công suất 600.000 tấn/năm, tổng đầu tư 660 tỷ đồng; nhà máy luyện gang công suất 300.000 tấn/năm.
Ngoài ra, ông Bằng còn đầu tư vào các dự án mỏ quặng sắt (Hà Tĩnh và Bắc Kạn), lập kế hoạch phát hành cổ phiếu trên sàn chứng khoán và đặt mục tiêu đạt 1 tỷ USD doanh thu vào năm 2007.
Khủng hoảng kinh tế nổ ra đã phá tan các dự định này của ông chủ Vạn Lợi. Đến nay, dù đã tìm cách bán cổ phần tại hai mỏ sắt, rao bán nhà máy phôi thép, nhà máy luyện gang, thì Vạn Lợi vẫn chưa trả được khối nợ khổng lồ hơn 990 tỷ (dư nợ tại 6 tổ chức tín dụng tính đến tháng 8-2011).
Đến tháng 3-2011, Vạn Lợi phải ngừng hoạt động nhà máy gang do tài chính khó khăn. Từ đó đến nay, nhà máy phôi thép hoạt động cầm chừng, liên tục thua lỗ và được đặt dưới sự kiểm soát đặc biệt của 6 chủ nợ.
Theo nguồn tin riêng của PV Tiền Phong, Công ty Thép Vạn Lợi (Hải Phòng) đã đàm phán và bán xong một nửa nhà máy sản xuất phôi thép (gồm nhà xưởng, dây chuyền sản xuất của giai đoạn 2, công suất 300.000 tấn/năm) cho công ty Thép Nam Vang.
Mặc dù, giá bán không được tiết lộ, nhưng tháng 10-2012, Thép Nam Vang đã làm thủ tục nhận lại hết công nợ của Công ty Thép Vạn Lợi. Trong đó, khoản đã đầu tư vào nhà máy phôi là 385 tỷ đồng.
Tháng 8-2012, Thép Nam Vang đã tiếp quản phần tài sản này, và hiện đang thuê lại một nửa nhà máy trong vòng 6 tháng để tiếp tục đàm phán với các chủ nợ.
Thuộc thế hệ hậu sinh và cũng đi lên từ nghề phá dỡ tàu cũ, anh M- Giám đốc một công ty thép tại Hải Phòng không muốn chia sẻ nhiều vì giờ đang là con nợ.
“Đầu năm 2009, mình tách ra thành lập công ty riêng kinh doanh sắt thép, phế liệu. Mỗi lô hàng trị giá hơn chục tỷ đồng rồi, nên chủ yếu là vốn vay ngân hàng. Trong khi, lợi nhuận giờ rất thấp, chỉ bù bằng khối lượng lớn. Chính vì phải vay vốn nên mới chết vì lãi mẹ đẻ lãi con”.
Theo anh M, mỗi năm, công ty của anh đạt doanh số 70-80 tỷ đồng/năm. Nhưng vì lãi vay cao, nên chẳng còn lời và ngày càng thua lỗ.
Vị giám đốc trẻ chỉ có thời gian thành công ngắn ngủi. Đầu năm 2012, anh M phải bán căn nhà đang ở để trừ vào khoản nợ gần 10 tỷ đồng của ngân hàng.
Lý giải về những cái chết của các đại gia này, ông Bôn cho rằng: “Sản xuất và kinh doanh thép đòi hỏi vốn cực lớn, nên phải vay ngân hàng nhiều. Cộng với việc họ phát triển quá nhanh, vượt quá trình độ quản lý. Đây là cái chết của những con ếch phồng bụng quá nhanh”.
Hơn nữa, theo ông Bôn, chính sách vĩ mô thay đổi liên tục khiến doanh nghiệp không kịp trở tay.