Đột nhiên, một sáng thức dậy, ta phát hiện mình chẳng còn giống hôm qua nữa. Bởi ta đã thành công dân toàn cầu, sống - học tập và làm việc trong một thế giới đang phẳng đi mỗi ngày.
Nhấc điện thoại, rủ vài người bạn đi dùng bữa sáng để bàn câu chuyện lạ lùng này, dẫu chỉ là trên mạng, bỗng phát hiện ra nhiều chuyện thú vị…
Thời khóa biểu trên... cung trăng
Câu chuyện bắt đầu bằng một câu hỏi mà Nguyễn Tuấn Phong - du học sinh tại Roma, Ý bảo là "kỳ cục": "Bạn có phải là công dân toàn cầu không?".
Chàng trai không may mắn vì bị khuyết tật từ bé nhưng đang là hình mẫu của ý chí vươn về phía trước của thanh niên châu Âu này thẳng thắn: "Hỏi thế chẳng khác nào hỏi "anh có là người trái đất hay không?". Mình sẽ nói theo cách hiểu của mình, bạn có sẵn sàng sống trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam không?
Việt Nam giờ là nước trong cộng đồng non 200 nước tạo nên Thế Giới Con Người. Công dân Việt Nam là thành viên của thế giới đó, phải sống với quy luật của thế giới đó chứ".
Sống nhiều năm ở những quốc gia phát triển, nên cách nhìn của Phong khá cởi mở và có một chút lạ lùng. Anh bảo, với tốc độ phát triển của Việt Nam như hiện nay, việc trở về Hà Nội để làm việc như dự định của Phong có khi không cần thiết nữa.
Anh chìa ra một cái thời khóa biểu hết sức kỳ lạ, mà Phong dự định sẽ dùng nó vào năm... 2016:
Thứ hai: Họp giao ban Hội đồng quản trị công ty ở Hà Nội, làm công việc mình yêu thích ở khu nghiên cứu phát triển cho công ty tại khu công nghệ cao Hòa Lạc. Thứ ba đến hội nghị công nghệ ở Silicon Valley.Thứ tư thì giải quyết các công việc đột xuất. Thứ năm ký kết hợp đồng ở Roma.
Đến thứ sáu thì phải giao hàng ở Bangkok, kết hợp xem trận bóng đá giữa tuyển Việt Nam và tuyển Thái Lan ở cúp Châu Á (tỷ số là 4-0 nghiêng về đội Việt Nam nhé).
Thứ bảy lại được về Hà Nội với vợ con. Chủ nhật: picnic cùng gia đình bạn bè... "Tất nhiên, khó mà được thế, nhưng tại sao không thử xem..." - Phong cười rõ to.
Ơ hay, cái thời khóa biểu trên cung trăng của Phong, thế mà cũng có người ủng hộ. Trần Lê Bảo Anh, một bạn gái vừa rời bỏ cương vị quản lý cấp cao của một tập đoàn sừng sỏ thế giới, đang còn tận hưởng niềm vui thất nghiệp, hào hứng ngay:
"Tôi nghĩ điều quan trọng nhất của một công dân toàn cầu là tự trang bị cho mình một cái nhìn mở và một tư duy mở. Điều đó có nghĩa là chấp nhận và đón nhận mọi điều mới mẻ và khác lạ với một thái độ cởi mở.
Không bảo thủ, không định kiến, không thành kiến, không phiến diện. Chấp nhận chúng, đón nhận chúng với một thái độ chừng mực - không quá vồ vập mà cũng không quá thờ ơ. Học tập chúng một cách tỉnh táo, áp dụng chúng trong điều kiện thực tiễn của chính mình.
Bởi nếu không có một thái độ mở như vậy thì việc bạn là công dân toàn cầu sẽ không còn ý nghĩa gì nữa cả. Như cửa đang mở ra trước mắt bạn một chân trời rất rộng mở với nhiều cơ hội, nhiều thách thức, mà bạn cứ khép nép, cứ lừng khừng mãi ngoài cửa thì cái thời cơ đó cũng trôi qua mất".
Tàu chạy - bạn đã kịp tìm chỗ ngồi chưa?
Không có nhiều cơ hội cọ xát với hệ thống tư duy, cũng như phong cách sống ở nước ngoài nhiều như Phong và Bảo Anh, một số bạn còn khá dè dặt. Lưu Minh Khoa, 21 tuổi, kỹ sư phần mềm đang "lên như diều gặp gió" với phần mềm trò chơi Sudoku dành cho điện thoại di động cũng ngập ngừng:
"Tôi nghĩ mình chưa thực sự hòa mình vào đoàn tàu trên hành trình toàn cầu hóa này, dù nó đã chuyển bánh rồi. Để trở thành một công dân toàn cầu thật sự, tôi nghĩ mình còn rất nhiều thứ phải làm.
Khi chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng, công nghệ đã giúp chúng ta xóa đi rất nhiều khoảng cách. Điều này có thể nói là một lợi thế cho các bạn trẻ như tôi hiện nay.
Tuy nhiên, bên cạnh các lợi thế sẵn có, chúng ta cần trang bị cho mình thêm rất nhiều kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp. Chúng ta không còn gói gọn trong phạm vi quốc gia nữa, mà giờ đây, chúng ta còn phải làm việc với thế giới. Đây sẽ là một thách thức nhưng cũng là cơ hội thật sự cho thế hệ trẻ.
Bên cạnh đó, khi chúng ta được trang bị một nền tảng kiến thức vững vàng, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin để hòa nhập cùng cộng đồng thế giới. Có kiến thức, có lý tưởng, chúng ta sẽ không thể bị hòa tan trong quá trình hội nhập.
Thêm vào đó, khi sự vận động của cả thế giới diễn ra không ngừng với một tốc độ "kỹ thuật số", đòi hỏi công dân toàn cầu phải có một khả năng học tập và tiếp thu thật tốt trong lĩnh vực của mình để có thể theo kịp đà phát triển của cộng đồng quốc tế.
Nó không đòi hỏi chúng ta phải "ôm đồm" tất cả mà chúng ta phải biết chọn lọc, học tập những gì phục vụ trực tiếp cho công việc. Đấy cũng là một kỹ năng quan trọng, cần thiết trong quá trình hội nhập".
Bảo Anh cũng chia sẻ điều này với Khoa: "Đúng là một trong những phương tiện để có thể thành công trong một ngôi làng toàn cầu là khả năng ngoại ngữ. Hiểu những gì người ta nói với mình, và nói cho người ta hiểu là một trong những kỹ năng rất quan trọng".
Các bạn nói rất nhiều về chuyện tiếng Anh, chuyện giao tiếp, mà ngay cả Nguyễn Phan Dũng, chuyên gia đang làm việc ở Mỹ cũng không khỏi lo lắng về chuyện ngôn ngữ của mình. "Nó đâu phải là chuyện biết tiếng Anh không, mà còn nhiều thứ khác nữa...". Và "nhiều thứ khác" mà Dũng đang đề cập, có một thứ mà Đình Bảo, thành viên của nhóm nhạc AC&M tâm đắc nhất: văn hóa.
"Tôi tự hào là AC&M có khả năng trở thành một nhóm nhạc toàn cầu. Ngay khi Việt Nam vừa gia nhập WTO thì chúng tôi cũng hoàn tất thủ tục đi biểu diễn ở London, Anh quốc.
Tôi cảm nhận được các rào cản địa lý đã dần biến mất, vì thế, cả nhóm đang lên kế hoạch đem live show của mình đi trình diễn thêm nhiều nước khác nữa như một cách để quảng bá hình ảnh và văn hóa của đất nước mình".
Con tàu toàn cầu chạy vòng quanh thế giới đang có những hành khách mới. Điểm dừng của bạn là đâu, và liệu hành trang của bạn đã sẵn sàng chưa nhỉ?
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét